Được ngư dân làng Thủy Tú xây dựng năm 1762, nhằm thể hiện sự biết ơn loài Cá Ông thường che chở ngư dân trong những tháng ngày lênh đênh mưu sinh ngoài biển lớn. Kiến trúc của Dinh Vạn Thủy Tú theo thiết kế đình làng truyền thống được bố trí theo hình chữ Tam, mặt chính quay về hướng Đông. Mái lợp ngói âm dương, trên nóc có hình tượng Lưỡng long tranh châu, kỳ lân biển của tiền nhân. Gỗ dựng Vạn chọn từ những loại gỗ quý, các chi tiết được lắp ghép trau chuốt, chạm khắc tỉ mỉ. Dinh chính có khu chánh điện thờ thần Nam Hải, bên phải thờ bà Thủy, bên trái thờ ông Thủy. Phía sau chánh điện thờ những người có công khai phá dựng làng, lập Vạn. Võ ca nằm trước dinh chính là nơi để hát bội và diễn chèo Bả Trạo vào 5 kỳ lệ cúng trong năm. Cho đến nay trong Dinh Vạn Thủy Tú đã có hơn 100 bộ xương cá voi và nhiều loài khác cùng họ, trong số đó có những bộ xương niên đại từ 100 đến 150 năm và một bộ xương cực lớn của cá voi lưng xám với chiều dài 22m, nặng 65 tấn, được đánh giá là lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Dinh Vạn Thủy Tú đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc Gia vào năm 1996. Hàng năm vào ngày 20.6 âm lịch, lễ hội Cầu Ngư được tổ chức tại đây. Đó là lễ hội dân gian truyền thống gắn liền với tín ngưỡng và đời sống tâm linh của ngư dân ven biển. Trong lễ hội, mọi người tổ chức các nghi thức cúng tế trang trọng, bên cạnh đó còn có phần hội hát bả trảo, hát bội, các trò chơi dân gian của ngư dân như hát bài chòi, thi đua thuyền, lắc thúng giữa các vạn chài.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét